Dù mới thành lập được 5 năm,êMaiLanChuyệnchưakểvềhànhtrìnhgõcửatrườcookie là gì Trường ĐH VinUni đã tạo được sự khác biệt nổi bật trên bản đồ giáo dục (GD) ĐH VN. Nhưng theo TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH VinUni, trước mắt vẫn còn một hành trình dài để trở thành một ĐH xuất sắc. Triết lý GD đúng đắn ngay từ đầu là một động lực to lớn để VinUni tin tưởng sẽ đến ngày "cất cánh".
Thưa bà, ngay từ khi mới thành lập, VinUni đã bày tỏ kỳ vọng trở thành ĐH tinh hoa, hợp tác với các trường nhóm Ivy của Mỹ (nhóm 8 trường ĐH được xếp vào hàng ưu tú hàng đầu). Vậy tại sao lại là Mỹ, chứ không phải là Anh hay châu Âu, cũng là những nơi có nền ĐH đáng ngưỡng mộ?
Trên thế giới có nhiều mô hình ĐH rất tốt và đáng để học tập. Trong giai đoạn thành lập, chúng tôi chọn hợp tác với ĐH Mỹ đầu tiên bởi vì Mỹ có tính đa dạng, tính toàn cầu trong GD của họ rất cao. Thứ hai, đó là nơi có mô hình ĐH "thực chiến", gắn kết chặt chẽ giữa hàn lâm - công nghiệp - thương mại trong đào tạo và nghiên cứu. Mục tiêu đào tạo của họ rất thiết thực, nghiên cứu của họ thường đi thẳng vào việc giải quyết các vấn đề thực tế. Họ quan tâm tới khả năng thương mại hóa các sáng kiến, đưa các ý tưởng hàn lâm vào cuộc sống… Thứ ba là bởi vì họ nổi tiếng khó tính về chất lượng, nhưng cởi mở với sự thay đổi và có tốc độ thích ứng nhanh.
Cả hai đối tác toàn diện của VinUni đều là trường trong nhóm Ivy, là những trường danh tiếng nhất thế giới. Nghĩa là ngay từ đầu VinUni đã có chủ ý tìm cách đứng lên vai "những người khổng lồ", thưa bà?
Đúng vậy, ngay từ đầu chúng tôi xác định muốn đi đúng đường và đi nhanh thì phải được làm việc với những người giỏi nhất. Chúng tôi trân trọng điều mà khiến các trường Ivy trở nên xuất sắc. Là bởi các đỉnh cao họ chiếm lĩnh được trong giới hàn lâm, bởi những công trình nghiên cứu tạo nên những thay đổi thế giới của họ, bởi những đóng góp có giá trị, thiết thực cho xã hội từ những người được đào tạo bởi các trường Ivy, và cả bởi vì cử nhân của họ luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng về thu nhập sau tốt nghiệp…
Chúng tôi tin là việc hợp tác với họ sẽ giúp mình học hỏi được rất nhiều. Chúng tôi bắt đầu tham gia đầu tư vào lĩnh vực GD từ quan điểm GD là phụng sự con người, GD cần mang lại giá trị thực sự cho xã hội qua các công trình nghiên cứu đỉnh cao, đào tạo được những con người tài năng cho thị trường lao động, những con người có khát vọng, có trí tuệ và có bản lĩnh để thay đổi chính mình và thay đổi xã hội. Và chúng tôi đã nhìn thấy các điều này được hiện thực hóa ở các trường Ivy.
Mối quan hệ hợp tác với 2 trường Ivy của VinUni làm nhiều người tò mò, vì đó là điều không dễ có với một trường ĐH non trẻ, cho dù đó là trường của một tỉ phú… Bà có thể chia sẻ thêm ở khía cạnh này?
Quá trình tìm kiếm mối quan hệ hợp tác đúng là không hề dễ, đã có những lúc thực sự bế tắc. Ý chí của mình rất quyết liệt, mạnh mẽ nhưng người ta chưa biết mình là ai cả. Mình cứ miệt mài đi tìm, miệt mài "gõ cửa", và rồi một ngày đẹp trời thì cửa đã mở ra… Ngày 3.4.2018, Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania (UPenn), từ đó mở ra một cái tên mới trên bản đồ GD ĐH VN: Trường ĐH VinUni.
Bà có thể chia sẻ chi tiết hơn câu chuyện này được không?
Chúng tôi thuê một công ty tư vấn GD rất có tiếng trên toàn cầu. Họ cũng hướng chúng tôi đến những thị trường khác, bởi theo họ hợp tác với ĐH tinh hoa Mỹ là điều không tưởng. Họ tư vấn chúng tôi gặp những ĐH tầm trung, với phương châm làm chậm từng bước. Nhưng chúng tôi chỉ có một quyết tâm là tìm đến ĐH đỉnh cao Mỹ.
Đoàn công tác có 4 người, đại diện Tập đoàn Vingroup, đại diện Bộ GD-ĐT, đại diện một trường ĐH công lập có uy tín và đại diện công ty tư vấn quốc tế. Hành trang của chúng tôi mang sang Mỹ lúc đó vỏn vẹn một video clip giới thiệu Tập đoàn Vingroup, một thư giới thiệu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, một thư giới thiệu của Bộ GD-ĐT và một tờ A4 với mấy gạch đầu dòng về mong muốn xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế cho VN.
Có dễ để được diện kiến lãnh đạo các trường ĐH Ivy không, thưa bà?
Diện kiến thì không khó, nhưng diện kiến lãnh đạo cao cấp có thể ra quyết định thì rất khó. Đặc biệt, khó hơn nữa là đưa họ về VN hợp tác với mình. Hồi đó là mùa đông, trời rất lạnh, chúng tôi cứ miệt mài di chuyển trong tuyết, từ bang này qua bang khác. Cứ đến nơi là cắm cái USB vào để trình chiếu, giới thiệu về VN, về Vingroup và về khát vọng xây dựng một ĐH xuất sắc. Ra thế giới thì mới thấy mình thật nhỏ bé, người ta chưa biết mình là ai. Có người cho biết ngày xưa tôi cũng đã tham gia biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh ở VN, tuy vậy tôi chưa từng bao giờ tới đó, không biết bây giờ tình hình các bạn ra sao.
Về sau tôi đổi "công thức". Mở đầu khẳng định luôn là chúng tôi đến từ VN, một đất nước thanh bình, xa rời chiến tranh đã hơn 40 năm, một đất nước của tiềm năng và cơ hội… Rồi mở video 5 phút về đất nước, con người VN, về Vingroup, cho họ xem một VN với các trung tâm thương mại, phố phường hiện đại văn minh, thiên nhiên tươi đẹp… Họ đều hết sức quan tâm và ấn tượng. Tuy nhiên, kết thúc buổi làm việc, báo cáo tình hình về VN vẫn liên tục là không có kết quả. Họ chỉ muốn mình cử cán bộ sang học trường họ, họ không muốn sang VN làm ĐH với mình.
Vậy sự hợp tác với UPenn và Cornell được bắt đầu thế nào, thưa bà?
May mắn bắt đầu mỉm cười với chúng tôi khi gặp ĐH Cornell. Đúng lúc đó, Cornell đang muốn làm cái gì đó khác biệt, vượt qua biên giới. Suốt hơn 100 năm lịch sử của trường, sinh viên (SV) trên thế giới phải đến Ithaca Campus để được học tại Cornell. Dù ước vọng ban đầu của người sáng lập, tỉ phú Ezra Cornell, là sử dụng tài sản của mình "cho những điều vĩ đại nhất", là xây dựng một nơi mà "bất kỳ ai cũng có thể học hỏi về bất kỳ điều gì", nhưng bản thân Cornell chưa hiện diện nhiều bên ngoài Ithaca Campus, ngoài khu rừng của họ.
Vì thế, dự án ĐH VinUni ngay lập tức thu hút họ, vì nó thúc đẩy quan điểm của Cornell, phải trở thành nơi tạo cơ hội cho mọi SV từ mọi thành phần xã hội, mọi hoàn cảnh, mọi quốc gia… Hai bên bắt tay ngay vào thảo luận. Phía Cornell, có cả GS Rohit Verma, Hiệu trưởng ĐH VinUni bây giờ, khi đó là Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế (ĐH Cornell). Ông ấy nói rành rẽ, mạch lạc và ấn tượng về những gì cần phải làm, bao giờ làm, kết quả là gì… Về sau, chúng tôi đánh tiếng với ĐH Cornell là biệt phái GS Rohit Verma sang VN, với lý do ông ấy xây dựng kế hoạch thì ông ấy phải thực thi. Chúng tôi muốn lôi kéo họ vào cùng làm, để tạo ra một trường với những giá trị cốt lõi thực sự như Ivy, chứ không chỉ trông có vẻ giống như Ivy mà thôi.
Nhưng trước đó, cuộc gặp với UPenn chính là bước ngoặt lớn. Chúng tôi đã rất bất ngờ khi Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Hiệu trưởng Trường Y khoa Perelman danh tiếng tiếp đoàn. Trước đó, chưa có trường Ivy nào cử đến cấp đó tiếp chúng tôi. Khi tôi bắt đầu mở máy tính, cắm USB dự định trình bày thì họ nói, thôi thôi thôi…, chúng tôi đã biết về VN rồi, tìm hiểu về Tập đoàn Vingroup rồi. Họ biết về Vingroup cùng tầm nhìn, chiến lược và những khát vọng của tập đoàn nên rất nhanh, phần giới thiệu được bỏ qua, hai bên bàn luôn với nhau là có thể hợp tác được cái gì trong lĩnh vực GD nghiên cứu y khoa.
Tảng đá to chắn dòng chảy đã được bẩy.
Nói chung là mọi thứ thuận lợi đến ngỡ ngàng. Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy mình may mắn...
Mới đây, trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, GS Max Pfeffer, Giám đốc dự án hợp tác với VinUni của ĐH Cornell, cho biết là ông ấy cực kỳ ấn tượng về cơ sở vật chất hiện nay của ĐH VinUni. Bà tự hào chứ?
Tôi rất tự hào, bởi đó là thành quả của một chiến dịch đầu tư trí tuệ sâu sắc và thực hiện thần tốc của Vingroup. Tư vấn đầu tiên mà chúng tôi thuê là Oxford University Innovation của ĐH Oxford, với "đề bài" như thế này: "VinUni có quỹ đất hơn 23 ha. Oxford tư vấn quy hoạch campus (khuôn viên trường ĐH) như thế nào để đáp ứng đúng xu thế nghiên cứu, học thuật và trường tồn cùng thời gian".
Sau khi có bản thảo của Oxford, chúng tôi gửi sang UPenn và Cornell thẩm định, góp ý. GS của Cornell chia sẻ muốn đào tạo kỹ sư ngành công nghệ thông tin và cơ khí, điện tử thì hệ thống lab là quan trọng nhất. Họ cũng nói xu thế là học liên ngành, vì vậy, đừng làm các lab nhỏ biệt lập, mà hãy làm super lab thật là rộng. Super lab phải là nơi mà SV học bất kỳ ngành nào trong trường đều có thể đến. Cornell cũng đề nghị cần hệ thống workshops (xưởng) và maker space (không gian sáng tạo) bởi vì xu thế là học trải nghiệm. Thực tế đào tạo sau này cho thấy thời gian SV học lý thuyết trên lớp chỉ chiếm khoảng 50%. Việc học hiệu quả nhất chính là thông qua các dự án nghiên cứu, thực tập, đi thực địa và tự làm ra các sản phẩm tại các lab.
Còn theo UPenn, đào tạo y khoa rất đắt đỏ, chi phí mà trường chi trả cho đào tạo không dưới 100.000 USD/SV/năm, học phí chỉ trang trải được một phần. Họ nhấn mạnh y khoa là liên quan đến tính mạng con người, vì thế cần phải có một môi trường giả lập như thật để các em được mắc sai lầm khi còn ở ĐH. Ra đến bệnh viện rồi, nếu chỉ một sai lầm thôi là các em không còn cơ hội thứ 2. Nếu cần phải đầu tư cái gì đó nhất thì chính là vào trung tâm mô phỏng y khoa. Đó là khoản đầu tư lớn nhất của VinUni, gần như một bệnh viện thu nhỏ, là nơi SV có thể mô phỏng khám bệnh, tư vấn bệnh, xử lý cấp cứu, điều trị nội ngoại trú… Giả lập thật đến nỗi giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, Vinmec hỏi rằng liệu có thể lập ở VinUni một bệnh viện dã chiến thì chúng tôi trả lời đồng ý ngay, vì ở đây đã đầy đủ như một bệnh viện rồi.
Sau khi đã có đề bài công năng chuẩn rồi, chúng tôi thuê Aecom (Mỹ) tư vấn thiết kế và Westgreen (Canada) thiết kế cảnh quan. Họ ấp ủ ý tưởng thiết kế VinUni theo tinh thần "Ngôi trường của ánh sáng tri thức". Khâu thi công xây dựng cũng được thực hiện rất tốt, như mọi người khi sang tham quan VinUni vẫn thấy.
Từ một cánh đồng đến một ĐH cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ công năng nghe nói chỉ trong 2 năm?
Không đến 2 năm, chính xác chỉ 14 tháng. Suốt 14 tháng đó, 24/7 lúc nào đèn cũng sáng ở công trường. Các đối tác mỗi lần đến đều sửng sốt. Vài tháng họ sang một lần, mỗi lần sang lại thấy đã xong một tòa, nên họ ngạc nhiên lắm. Có lần tôi hỏi vui một GS quản trị kinh doanh ở ĐH Cornell rằng ông có định mua một căn nhà ở đô thị Ocean Park nơi đây không? Ông ấy hỏi: "Nhà ở đâu cơ?". Tôi chỉ cánh đồng trước mặt và bảo nó kia kìa. Bây giờ mỗi lần sang VN, từ tầng 9 nhìn dãy phố bên ngoài khuôn viên nhà trường, ông ấy vẫn chưa bao giờ hết ngạc nhiên.
VinUni đã tuyển sinh và đào tạo được 3 năm, bà có tự tin trường đã đạt chuẩn ĐH Mỹ không?
Tôi rất tự tin về khả năng đạt chuẩn quốc tế và đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của các ĐH xuất sắc, đặc biệt là các ĐH hàng đầu tại Mỹ, của VinUni. Toàn bộ chương trình đào tạo của VinUni được Cornell và UPenn hỗ trợ xây dựng. Họ ngồi cùng với mình thiết kế chuẩn đầu ra đầu vào, khung chương trình, phương pháp, thậm chí xuống đến cả giáo trình đào tạo và tài liệu tham khảo… Giảng viên trẻ của VinUni được sang UPenn và Cornell kiến tập từ 6 tháng đến 1 năm, cùng vào lớp giảng dạy, cùng nghiên cứu, cùng làm việc với giảng viên của họ.
Nhờ chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế cao nhất, chúng tôi đã ký kết các chương trình trao đổi SV, đặc biệt là chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ với Cornell, UPenn và một số ĐH xuất sắc chọn lọc khác. Trước đây, mỗi năm cũng lác đác vài em từ VN được nhận sang Ivy, vì tỷ lệ đỗ tại Ivy (hồ sơ được nhận/hồ sơ nộp) rất cạnh tranh, chỉ trong khoảng 5 - 7% ở bậc cử nhân và 8 - 10% ở bậc cao học. Năm nay, tỷ lệ SV năm 3 của VinUni được nhận vào học thạc sĩ về kỹ thuật - khoa học máy tính ở UPenn là 50%, một tỷ lệ rất ấn tượng. Lần đầu tiên có sự đột biến trong số lượng SV từ VN sang học và đều là học các ngành rất "hot" như thế tại UPenn. Đã có những SV đầu tiên nhập học và các trường đã có những phản hồi rất tích cực về chất lượng, sự năng động và quyết tâm của các em.
Tương lai của VinUni liệu có bền vững không khi mà để đảm bảo GD ĐH chất lượng thì cần rất nhiều tiền, mà tiền thu từ học phí thì không thấm vào đâu, thưa bà?
Đó là một vòng tròn khép kín, chất lượng cao thì cần đầu tư cao, dẫn đến chi phí đào tạo cao. Nguồn thu học phí của các ĐH danh tiếng dù là công lập hay tư nhân, chỉ chiếm 20%, cùng lắm là 30% tổng nguồn thu. Về nghiên cứu, các ĐH danh tiếng đều phải dựa vào hiến tặng, tài trợ của doanh nghiệp và trợ cấp, hợp đồng của nhà nước. Thực tế tạo được quỹ tài chính bền vững cho ĐH rất khó khăn, nhưng đó là con đường phải đi.
Điều căn cơ nhất quyết định tương lai của VinUni nằm ở khả năng VinUni hoàn thành được sứ mệnh của mình, đó là góp phần đào tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. Những ĐH danh tiếng toàn cầu như MIT, Stanford, Cornell, Oxford, Cambridge… đều là cái nôi nuôi dưỡng sự trưởng thành của các thiên tài khoa học, tỉ phú, doanh nhân, lãnh đạo nổi tiếng thế giới.
Thành công trên hành trình đào tạo này chính là cách phát triển bền vững nhất, là cách thức tốt nhất để VinUni đóng góp giá trị cho xã hội. VinUni cần phải có thời gian, nhưng tôi tin tưởng đích đến trên con đường của VinUni đầy hứa hẹn, bởi chúng tôi đã bắt đầu hành trình bằng quan điểm đúng đắn về giá trị.
Cảm ơn TS Lê Mai Lan!
Bình luận (0)
Gửi bình luận Quan tâm nhất Mới nhất Xem thêm bình luận