Năm 1986,ốibỏngườikhuyếttậđệm ngồi bệt dù đỗ Á khoa Đại học Văn hóa TP HCM, Khoa Phát hành Sách, tôi vẫn bị từ chối nhập học. Tôi "khiếu nại", trường nói, nếu tôi muốn thì cứ học, nhưng sẽ không đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp chính quy như sinh viên khác.
Học hay nghỉ, trở về quê? Câu hỏi tự đặt ra, đúng là khó thật.
Nhưng, không thể bỏ cuộc. Trầy trật 10 năm làm sinh viên qua hai trường đại học, tôi mới có tấm bằng chính quy, ở tuổi 30.
Thời của tôi, vào được đại học đã khó, ra trường chống nạng đi xin việc còn khó hơn nhiều. Dù có bằng cử nhân Triết học và Luật học, tôi tiếp tục bị chối bỏ, nhiều lần, bởi hai cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp Việt Nam.
Buồn và tuyệt vọng, ba tôi tính chuyện mua một chiếc xe hàng, đẩy ra ngoài chợ hay đầu ngõ, cho tôi sửa đồng hồ, kiếm sống qua ngày. Nghề nào cũng đáng quý, lao động nào cũng đáng trân trọng. Nhưng tôi không muốn vậy, vì mình được đào tạo, có nhận thức, có năng lực, có thể tìm cơ hội tốt hơn. Trong lúc chờ đợi, tôi học thêm ngoại ngữ, kết bạn với một nhóm người khuyết tật làm việc tại một cửa hàng nhỏ trên đường Đồng Khởi.
Tại đây, tôi quen biết Michael Abadie - người Mỹ, chuyên gia quản lý rủi ro cho một tập đoàn môi giới bảo hiểm đa quốc gia. Michael tới Việt Nam từ khi đất nước còn chưa mở cửa và gắn bó với nơi này cho tới nay. Hồi đó, sau giờ làm việc, anh thường xách máy ảnh, lang thang khắp phố xá, ngõ hẻm của Sài Gòn để chụp ảnh và thực hành tiếng Việt. Sau một thời gian quen biết, Michael mời tôi về làm việc tại văn phòng của anh ở Quận 1.
Không khỏi e dè, tôi hỏi thẳng: "Michael đừng thương hại hay tội nghiệp gì em. Nếu thấy em có thể làm việc, hãy mời em về". Nhưng Michael nói: "Trí hoàn toàn có thể làm việc bằng chính năng lực của mình". Tháng lương đầu tiên tôi nhận được, 200 USD. "Sao nhiều thế Michael?". "Trí xứng đáng, đừng lo!".
Nếu không có Michael, tôi sẽ không bao giờ có vị trí hiện tại ở một tập đoàn đa quốc gia.
Nhưng nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi không may mắn như vậy.
Hôm 1/12, tôi dự diễn đàn "ESG - Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật" tại TP HCM. Diễn đàn nhằm chia sẻ các nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới World Bank, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật... về cơ hội việc làm, cam kết của doanh nghiệp trong đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam. ESG gồm: E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.
Hàng năm, đến hẹn lại lên, đó đây trong Nam và ngoài Bắc lại có những diễn đàn, hội thảo tương tự về việc làm cho người khuyết tật nhân ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12.
Số liệu thống kê tại hội thảo khá chi tiết nhưng không mấy lạc quan. Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng có việc làm. Số người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn chiếm tới 93,4%.
Số lượng người khuyết tật ở các nhóm và độ tuổi khác nhau nhích dần lên mỗi năm do tác động của các yếu tố xã hội (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật - đặc biệt sau Covid-19...) trong khi tỷ lệ % người khuyết tật có việc làm, diễn biến theo chiều ngược lại.
Lồng ghép cơ hội việc làm cho người khuyết tật vào bối cảnh và xu thế ESG là một sáng kiến nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cùng quan tâm và đi đến cam kết hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Thế nhưng, xét về thực tiễn, đó dường như chỉ là sự bắt đầu cho một định hướng ở tương lai.
So với thời của tôi, chính sách và nhận thức xã hội về người khuyết tật đã có nhiều thay đổi. Nhưng phải thẳng thắn là chúng ta chưa thể so được với các quốc gia phát triển. Tại nơi làm việc của mình, tôi hầu như không cảm thấy mình bị coi là người khuyết tật, mọi đánh giá chỉ dựa trên năng lực và hiệu quả công việc. Hạ tầng cơ bản cho người khuyết tật cũng được chuẩn bị sẵn, nên tôi, dù gặp khó khăn nhất định khi di chuyển thì đó cũng không phải là trở ngại lớn...
Vài chục năm qua có thể là dài nhưng chưa phải đã dừng lại, nhận thức xã hội vẫn không ngừng phát triển; hạ tầng dành cho người khuyết tật sẽ tiếp tục được cải thiện. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thể có những điều kiện tương tự về cả nhận thức lẫn cơ sở vật chất, nên rất khó yêu cầu họ đưa ra những cam kết to lớn và ngay lập tức về trách nhiệm xã hội với người khuyết tật.
Tôi, vì vậy, kể câu chuyện của chính mình để động viên những người chung cảnh ngộ. Đặt niềm tin vào xã hội nhưng cũng phải tin vào bản thân. Sự cải thiện cơ hội việc làm sẽ chỉ đạt được dựa trên sự cân bằng, đừng trút gánh nặng cho một bên nào cả. Mong đợi đến cả từ hai phía, trên cơ sở 50-50.
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy thách thức về việc làm thậm chí đến từ người khuyết tật nhiều hơn. Nếu ta không tự phát hiện khả năng của bản thân, không tự vượt qua khó khăn của chính mình, ta khó trông chờ người khác nhìn thấy năng lực và đỡ ta đứng dậy.
Người khuyết tật vì vậy còn phải tự vận động và phát triển mình trước để chứng minh năng lực, tạo sự tin tưởng cho các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
Ở các diễn đàn, hội thảo hàng năm, tôi rất khâm phục ý chí và nỗ lực dẫn đến thành công của các bạn trẻ thế hệ sau. Nhưng tôi cũng nhìn thấy thực tế, là còn không ít người khuyết tật vẫn để tâm lý tự ti đè nặng, đến mức ỷ lại, trông chờ một chiều vào xã hội.
Tôi muốn động viên cộng đồng mình. Dù bạn thuộc thế hệ nào đi nữa, con đường hòa nhập với xã hội và tự phát triển bản thân vẫn còn dài và nhiều rào cản. Ý chí và sự nỗ lực, suy nghĩ và tư duy tích cực càng phải là những điều cần thiết với chúng ta - những con người mà dường như cuộc đời không ban cho nhiều lựa chọn.
Hà Đức Trí